Mono Tasking – Làm việc ít hiệu quả cao
Mono-tasking . Bạn có thể hiểu đơn giản, mono-tasking (đơn nhiệm) trái ngược với multi-tasking (đa nhiệm) khi ưu tiên chất lượng hơn số lượng công việc. Xu hướng làm việc này đang dần thay thế cách làm việc đa nhiệm vì nó thật sự tăng hiệu quả công việc, cùng tìm hiểu lý do tại sao nhé!
Mono-tasking không phải là lười biếng!
Hầu hết mọi người đều quan niệm khá sai lầm khi chú trọng số lượng công việc hơn là chất lượng riêng lẻ. Điều này vô hình chung dẫn đến suy nghĩ rằng một ngày làm quá ít việc là lười biếng hoặc không năng suất. Chúng ta đã quá quen với việc vừa nhắn tin, vừa làm bài tập và các công việc khác, đó chính là một hình thức làm việc đa nhiệm được thực hiện hằng ngày trong vô thức.
Thực tế cho thấy, khi làm việc đa nhiệm, thời gian để hoàn thành công việc sẽ lâu hơn 50%. Nhưng khi dành thời gian tập trung hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể, hiệu quả công việc sẽ tăng lên đồng thời giúp bạn tiết kiệm được một khoảng thời gian bị phân tâm.
Không thể phủ nhận những mặt tốt mà multi-tasking đem lại như rèn giũa khả năng đối mặt với nhiều vấn đề cùng lúc. Tuy nhiên, có một sự thật là làm việc đa nhiệm trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến não bộ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người làm việc đa nhiệm thì chỉ số IQ và mật độ chất xám sẽ giảm đi ở vùng vỏ trước của não – khu vực liên quan đến việc bày tỏ sự đồng cảm và kiểm soát cảm xúc của con người. Vì vậy, việc hình thành thói quen làm việc tập trung, lên chiến lược xử lý triệt để các nhiệm vụ trong ngày bằng mono-tasking là vô cùng quan trọng.
Bắt đầu mono-tasking như thế nào?
Làm việc phong cách mono-tasking có nghĩa toàn tâm toàn ý hoàn thành tốt một công việc cụ thể. Cố gắng giảm thiểu hết mức các sự tác động từ nhân tố bên ngoài như: thông báo điện thoại, TV, nói chuyện riêng,… Vậy “nhập môn” làm việc đơn nhiệm như thế nào cho người mới bắt đầu?
Học cách làm việc sâu (deep work)
Được xem kỹ năng làm việc bất cứ ai cũng phải biết ở thế kỷ 21. Làm việc sâu (deep work) chính là khả năng tập trung cao độ và không để bất cứ sự xao nhãng nào từ bên ngoài ảnh hưởng đến công việc.
Khi có task được giao, hầu hết mọi người chỉ đọc sơ qua những gì cần làm mà không suy nghĩ đến cách làm thế nào khiến vừa xuất sắc hoàn thành công việc, vừa tạo ra hiệu quả. Thói quen làm việc “nông” (shallow work) dần khiến phản ứng của bạn khi đối mặt với lượng công việc cần sự tập trung cao trở nên kém hiệu quả.
Mỗi ngày hãy dành ít nhất từ 2 đến 4 tiếng tập trung hoàn tất công việc trong ngày. Hạn chế tối đa việc trả lời điện thoại, email hay trò chuyện riêng. Cách này giúp não bộ của bạn được phát huy tối đa công dụng của nó và chắc chắn sẽ tạo ra hiệu quả về dài.
Tận dụng tối đa thời gian bạn làm việc hiệu suất nhất
Chọn ra khoảng thời gian bạn cảm thấy mình hoàn thành công việc hiệu quả nhất trong ngày. Đây là lúc bạn nhạy bén nhất, ít bị phân tâm và dễ nảy ra những ý tưởng đột phá. Mỗi người sẽ có khoảng thời gian làm việc vô cùng hiệu suất khác nhau. Nếu bạn không thể tìm ra được khoảng thời gian đó, có thể nó rơi vào các buổi sáng sớm. Hãy thử dậy sớm một vài ngày trong tuần và làm việc, biết đâu bạn lại tìm ra?