Trong ngành công nghiệp thời trang cao cấp, da cá sấu luôn được xem là vật liệu sang trọng bậc nhất. Để tạo ra một tấm da cá sấu chất lượng cao, quy trình thuộc da đóng vai trò quan trọng, đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu. Hãy cùng tìm hiểu từng bước của quy trình này để hiểu rõ hơn về giá trị của những sản phẩm từ da cá sấu.
Thuộc da là gì?
Thuộc da là quá trình chuyển đổi từ da thô của động vật thành da thật có độ bền cao và khả năng chống phân hủy. Quá trình này không chỉ giúp bảo quản da mà còn tạo nên các đặc tính vật lý và thẩm mỹ phù hợp với yêu cầu sử dụng, chẳng hạn như độ mềm mại, độ bền, và màu sắc.
Đối với da cá sấu, quy trình thuộc da phức tạp hơn do cấu trúc da đặc biệt, với lớp vảy cứng và độ dày không đồng đều. Điều này càng đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn cao và sự chăm chút trong từng công đoạn. Tùy từng dòng cá sấu khác nhau thì bề mặt da sẽ có những đặc điểm và cấu trúc rất riêng biệt. Tham khảo thêm bài viết Các loại da cá sấu phổ biến trên thị trường hiện nay để hiểu và phân biệt về một số dòng da cá sấu được ưa chuộng.
Quy trình thuộc da cá sấu
1. Dry Salting (Ướp muối khô)
Đây là bước đầu tiên để bảo quản da ngay sau khi tách ra khỏi động vật. Da được trải phẳng và rắc muối lên bề mặt để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và giảm độ ẩm. Quá trình này có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần, đảm bảo da không bị hư hỏng trước khi bước vào các giai đoạn tiếp theo.
2. Soaking (Ngâm)
Da cá sấu sau khi ướp muối sẽ được ngâm trong nước để làm sạch và làm mềm. Công đoạn này giúp loại bỏ bụi bẩn, muối thừa và phục hồi độ đàn hồi cho da, tạo điều kiện thuận lợi cho các bước xử lý tiếp theo.
3. Liming (Tẩy lông và vảy)
Quá trình tẩy lông sử dụng các hợp chất kiềm mạnh để loại bỏ vảy, lông và các protein không mong muốn trên bề mặt da. Đây là một công đoạn phức tạp vì vảy cá sấu cần được xử lý cẩn thận để không làm tổn hại cấu trúc tự nhiên của da.
4. Deliming (Cân bằng độ pH)
Sau khi tẩy lông, da được xử lý bằng dung dịch axit nhẹ để trung hòa các chất kiềm còn sót lại, quá trình này thường cần duy trì ở 37 độ C và pH tối ưu dao động khoảng 8.3. Điều này giúp chuẩn bị da cho bước thuộc chính thức bằng cách làm mềm và ổn định cấu trúc da.
5. Pickling (Ngâm chua)
Da sẽ được rửa sạch với muối và cho tác dụng với axit sunfuric. Thao tác này cần được kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo hiệu quả mà không gây ra tình trạng giảm pH trầm trọng có thể khiến nền da hư hỏng nặng nề. Bước này giúp loại bỏ canxi và các khoáng chất dư thừa, đồng thời tăng độ bền cho da. Cũng như giúp da dễ hấp thụ các hóa chất trong bước thuộc chrome.
6. Chrome Tanning (Thuộc chrome)
Thuộc chrome là một trong những bước quan trọng và phức tạp nhất trong quy trình thuộc da cá sấu. Đây không chỉ là giai đoạn chuyển hóa quan trọng mà còn là yếu tố quyết định độ bền, tính thẩm mỹ, và khả năng chống chịu của da.. Thuộc chrome là giai đoạn chính, chuyển đổi da từ trạng thái hữu cơ dễ phân hủy sang trạng thái vô cơ bền vững. Crom sulfate được sử dụng để tạo liên kết hóa học trong cấu trúc da, làm tăng độ bền, độ mềm và khả năng chống nước.
Da cá sấu được đặt bên trong trống quay cùng với dung dịch hóa chất. Khi trống quay, da liên tục được nhúng và trộn đều với dung dịch thuộc, giúp các hóa chất thẩm thấu đồng đều vào từng phần của da. Trống thường được vận hành với tốc độ chậm, thường từ 4-8 vòng/phút, để tránh làm hư hỏng da. Công đoạn này thường kéo dài từ 12-24 giờ, tùy thuộc vào độ dày và kích thước của da cá sấu.
Xử lý da cá sấu sau khi thuộc
Sau khi thuộc, da cá sấu sẽ được xử lý qua nhiều bước như:
- Shaving (Cạo da): Làm mỏng và làm đều độ dày của da.
- Drying (Sấy khô): Có thể sấy bằng không khí hoặc bằng máy để loại bỏ độ ẩm còn lại.
- Dry Cleaning (Vệ sinh khô): Loại bỏ dầu mỡ và các tạp chất còn sót lại trên da.
Nhuộm màu da cá sấu
Đây là bước tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ của da cá sấu. Da có thể được nhuộm màu tự nhiên hoặc màu sắc nổi bật tùy thuộc vào nhu cầu thị trường. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo để đảm bảo màu sắc thấm đều và bền.
Tuy nhiên, có một loại da cá sấu đặc biệt mà không cần nhuộm, đó là da cá sấu Himalaya. Loại da này giữ nguyên màu sắc tự nhiên của cá sấu, và mỗi tấm da Himalaya lại có sắc thái màu riêng biệt, không giống nhau, giống như làn da con người. Chính vì vậy, rất khó để tìm được hai tấm da Himalaya có màu sắc hoàn toàn giống nhau.
Hoàn thiện và phân loại da cá sấu thành phẩm
Cuối cùng, da cá sấu sẽ được xử lý hoàn thiện để đạt được bề mặt mong muốn. Các lớp phủ được áp dụng để tăng độ bóng, độ mềm hoặc tạo hiệu ứng đặc biệt. Da sau đó được phân loại dựa trên các tiêu chí như độ đồng đều, kích thước và chất lượng tổng thể.
Thông thường da cá sấu sau khi hoàn thiện được chia thành hai loại chính là da bóng kính (shiny) và matte. Nếu phân loại sâu hơn thì sẽ được chia thành da bóng cứng, da bóng mềm, da bóng vừa, da lộn mịn (nubuck),… Mỗi loại da có những đặc điểm riêng, phù hợp với các ứng dụng và nhu cầu sử dụng khác nhau, từ thời trang cao cấp đến các sản phẩm phụ kiện.
Da bóng kính
Da bóng nổi bật với bề mặt sáng loáng, tạo vẻ đẹp cao cấp và tinh tế. Đây là lựa chọn lý tưởng cho những sản phẩm thời trang đắt tiền như túi xách, ví, hoặc dây đồng hồ cao cấp. Tuy nhiên, da bóng lại nhạy cảm với các yếu tố như nước, dầu và dễ trầy xước. Đặc biệt, khi tiếp xúc với nước, bề mặt da rất dễ xuất hiện các vết loang khó khắc phục. Chính vì vậy, trong quá trình sản xuất, da bóng thường được phủ một lớp bảo vệ để giảm thiểu trầy xước và dấu vân tay.
Mặc dù mang vẻ đẹp lộng lẫy, da bóng cứng không phải là lựa chọn tối ưu cho dây đồng hồ vì cảm giác không thoải mái và độ bền thấp. Ngoài ra, việc bảo quản loại da này cũng đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ để giữ được độ bóng ban đầu. Tìm hiểu thêm về những phương pháp bảo vệ da trong bài viết Làm thế nào để bảo quản đồ da cá sấu luôn như mới? để giúp cho món đồ da cá sấu của bạn luôn như mới.
Da Nubuck
Da lộn mịn (nubuck) được xử lý bằng cách mài nhẹ bề mặt da, tạo ra kết cấu mịn màng và mềm mại. Loại da này không chỉ mang lại cảm giác thoải mái khi chạm vào mà còn có độ bền cao và khả năng chống trầy xước tốt hơn da bóng. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của da lộn mịn là rất dễ bám bẩn. Chỉ một chút mồ hôi hoặc dầu từ tay cũng có thể làm hỏng bề mặt da, khiến nó bị bóng nhờn và khó vệ sinh. Do đó, loại da này thường cần được bảo quản kỹ lưỡng, đặc biệt tránh tiếp xúc với các chất gây bẩn.
Da Matte
Da mờ được đánh giá cao nhờ tính tự nhiên và sự bền bỉ. Bề mặt không phủ bóng giúp giữ lại vẻ đẹp chân thật và cảm giác nguyên bản của da cá sấu. Đặc biệt, da mờ ít nhạy cảm với nước hơn so với da bóng. Qua thời gian sử dụng, bề mặt da sẽ trở nên bóng nhẹ một cách tự nhiên, tạo nên vẻ đẹp độc đáo và riêng biệt.
Đối với những người yêu thích sự mộc mạc nhưng vẫn muốn sản phẩm giữ được độ bền cao, da mờ là lựa chọn lý tưởng. Loại da này phù hợp với nhiều ứng dụng như túi xách, dây đồng hồ, hoặc thậm chí là các sản phẩm thời trang cao cấp.
Kết luận
Quá trình để thuộc ra một tấm da cá sấu cần rất nhiều thời gian và công sức, hiểu thêm về quy trình thuộc da sẽ giúp chúng ta hình dung được cách để tạo ra một tấm da hoàn hảo và đây cũng chính là một trong những điều khiến da cá sấu trở nên đắt đỏ đến thế. Quy trình thuộc da cá sấu là một nghệ thuật kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và tay nghề thủ công. Từ việc bảo quản ban đầu đến hoàn thiện sản phẩm, mỗi bước đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác cao. Chính vì vậy, một sản phẩm từ da cá sấu sau khi hoàn thành không chỉ mang giá trị vật chất mà còn chứa đựng sự kỳ công của những người thợ thuộc da lành nghề.